Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Nói lái (bàn tiếp)

(Cảnh báo: Nếu cảm thấy mình chưa đủ độ bệnh hoạn, xin đừng đọc tiếp :D)



Nói lái đã có từ rất lâu, lâu lẩu lầu lâu, có nhẽ từ khi mới hình thành ngôn ngữ. Các cụ hẳn còn nhớ quả truyện ngụ ngôn có anh rùa mách anh hươu “nhỉ đay” khi người ta tháo bẫy không? Đấy, từ thượng cổ, khi mà loài vật còn biết nói tiếng người, nhá! Hã hã hã :D Thêm một thí dụ sinh động nữa là câu đố mà chắc thời còn mặc quần thủng đáy các cụ từng nghe: “Kiển tố vừa đố vừa giải”.
Theo sự để ý vặt của nhà cháu, trong văn học, ngay từ thế kỷ 18, cụ Nguyễn Gia Thiều trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” trứ danh cũng đã có một “quả” nói lái rất “ác chiến”:
Mây mưa mấy giọt chung tình
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn
Theo cách hiểu rất trần tục của nhà cháu, nhẽ phải viết là “trung tình” thì mới đúng ý cụ, mới hợp với việc tả cảnh mây mưa, và đặc biệt hợp với lượng từ “mấy giọt” ở trước! (Thời cụ Nguyễn Gia Thiều thì không phân biệt phụ âm kép “tr” và “ch” theo chữ quốc ngữ nhá!)
Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19), cũng có rất nhiều từ, cụm từ nói lái, thẩm theo ngôn ngữ báo mạng bây giờ là “cực chất”. Này thì lái hai từ:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
Trong mấy câu thơ trên, thông thường, mọi người chỉ để ý đến mấy cụm từ: “đá đeo”, “lộn lèo”. Chỉ những người đầu óc đạt đến độ dung tục, bệnh hoạn cao :D :D :D mới nghĩ đến từ “trái gió”- nói lái nó là “chó giái”. Tuyệt cú mèo chưa! Ấy, để im thì đắc đạo rồi, cơ mà… chó giái cho nên… (Thời cụ Hồ Xuân Hương thì không có phân biệt phụ âm kép “tr” và “ch” theo chữ quốc ngữ nhá!)
Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.
Trong hai câu trên, đương nhiên ai cũng thấy những từ “lo cũ” và “lộn lèo” là để nói lái.
Còn đây là nói lái ba từ:
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình, tiểu để sương không đấm
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo
Kể cụ tỷ ra thì các cụ lại mắng là múa rìu qua mắt thợ… nề. Cơ mà không kể, có khi cũng bị sỉ vả, vậy nên nhà cháu xin cứ kê ra. Này thì sư cụ “đáo nơi neo”; chày kình là chày to, thậm chí rất, rất to, cơ mà “sương không đấm” là “đâm không sướng” (có bản ghi “suông không đấm”, theo ngu ý của nhà cháu là không đúng ý nữ sĩ); “đếm lại đeo” là “đêm lại đ…éo” hí hí hí.
Theo một cụ giáo dạy ngữ văn từ thời Pháp thuộc, có một câu nói lái, có thể coi là cực độc, nói lái đến bốn từ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong bài Qua đền Sầm Nghi Đống:
Ghé mắt trông sang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng có bấy nhiêu?
Phần lớn các bản đều in là “Ghé mắt trông ngang”, theo cụ giáo, in thế là sai, sai lòi ra. “Ghé mắt trông sang”, nói lái là “sáng mắt trông ghe”. Cái từ “ghe” này, là tiếng địa phương, (vì là tiếng địa phương, lại là từ tục cho nên không có trong sách vở bởi vậy các cụ càng khó gặp) (*) để chỉ… âm vật, dùng đúng từ của cụ giáo kể trên “nó là cái nhân l…”. Ý của nữ sĩ là: mấy thằng đàn ông chỉ nhăm nhăm chuyện trai gái cái đực, trông thấy l… là sáng mắt lên, làm được cái gì đâu! Bà đây mà đổi làm trai thì sự nghiệp đâu chỉ mỗi chuyện này.
Trong hiện thực đời sống, cũng có rất nhiều từ nói lái được sử dụng, rất ý nghĩa, rất hợp cảnh. Ví như chuyện đi xin xỏ, lo lót, mọi người hay nói đến vấn đề “đầu tiên”. Có một từ nói lái cũng liên quan đến chuyện cạy cục này nhưng nay không còn hợp cảnh nữa (thực ra là không hợp mệnh giá). Đó là chuyện đút lót khi đi khám bệnh, đi xin chữ ký v.v. phải có con “ngan nằm”, tức phải kẹp theo “năm ngàn”- 5.000 đồng. Từ giá trị đồng tiền mà suy thì cái thời đút lót năm ngàn ấy chắc phải quãng những năm 1990 đổ về trước; bây giờ dùng con “ngan nằm” thì hẳn phải tính tiền Obama!!!
Trong chống tiêu cực, tham nhũng, dân ta hay răn nhau rằng: “đấu tranh thì tránh đâu?”; có người còn “lằng nhằng” hơn một chút thành: đấu tranh là đánh trâu, trâu húc lại thì tránh đâu?
Nhân từ đấu tranh này lại nhớ có những cụm chỉ gồm hai từ mà có thể nói lại được đến vài lần, lại thành câu có nghĩa luôn mới hay. Chẳng hạn từ “cá rô”, ta có câu “Cá rô cố ra (khỏi) rá cô”. Hay một câu do chính nhà cháu nghĩ ra từ lâu lẩu lầu lâu rồi, thời Bùi Nam Đông chưa có vợ và vẫn còn… còi: “Đông còi đòi công coi đồng!”. Giờ, Đông mập rồi, rút xuống còn có lái hai lần thui: Đập mông Đông mập! hí hí hí…
CART
---------------

(*)  Về thực hư chuyện “ghe” là từ địa phương, quê nhà cháu ở Thái Bình có dùng từ này. Ngày còn bé, trong các đám cưới, các anh chị thanh niên vưỡn hay mủm mỉm cười, nhiều người còn đỏ mặt khi nghe câu “Biển khơi tôm cá đầy ghe” trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre”. Tìm trong ca dao truyền khẩu, ta cũng gặp câu có từ ghe, mà tả thực luôn nhá: “Bà ngồi bà dạng ghe ra; Đến khi khép lại chết ba tấn ruồi!” – Nói ngoa thế nào ấy chứ! Ba cân ruồi đã là nhiều, gì mà đến ba tấn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét