Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Chả lo gì…



Chủ nhật vừa rồi, đột nhiên cụ Chi hội trưởng người cao tuổi tổ dân phố vào chỗ nhà cháu ở. Lạ nhỉ, chả biết có chuyện gì mà cụ lại ghé chơi! Không tiện hỏi thẳng, nhà cháu pha ấm trà nhạt mời cụ. Sau khi nhấp ngụm nước dọn giọng, giương mục kỉnh nhìn nhà cháu đầy vẻ thông cảm, cụ mở lời:
- Tôi thấy ông về đây trọ cũng mấy tháng rồi. Con cháu thì mải lo việc của chúng nó, thui thủi một mình cũng buồn. Hay là ông vào sinh hoạt với hội chúng tôi cho vui. Mọi người không ai kỳ thị chuyện ngụ cư đâu, ông ạ!
Bỏ mẹ, ra là cụ thấy nhà cháu lù khù, mặt mũi nhiều ngoặc đơn ngoặc kép, ăn mặc nhếnh nhác lại đi cái xe rách, cụ tưởng nhà cháu giàu… tuổi lắm. Thanh minh cũng chả tiện, sợ cụ ngại; lại e “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, nhà cháu đành phải lựa lời chối khéo:
- Dạ, cảm ơn thịnh tình của cụ và các cụ trong chi hội. Nhà em cũng chỉ còn vài năm nữa là hưu, lúc ấy hẵng xin phép các cụ cho em chung hội chung thuyền…
Sau khi cụ về, nhà cháu hết lau kính lại soi gương, lẩn thẩn đến cả tiếng đồng hồ. Bỗng giật mình, chả lo gì, chỉ lo già (*).
May mà hôm ấy vợ con đi chơi siêu thị, nếu không mình mất giá quá!
CART
-----

(*) Vế thách đối của nhà văn Vương Trọng: Chả lo gì, chỉ lo già; Vế đối của một bác Nghệ nhân: Nỏ cần chi, chỉ cần no.

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Nói lái (bàn tiếp)

(Cảnh báo: Nếu cảm thấy mình chưa đủ độ bệnh hoạn, xin đừng đọc tiếp :D)



Nói lái đã có từ rất lâu, lâu lẩu lầu lâu, có nhẽ từ khi mới hình thành ngôn ngữ. Các cụ hẳn còn nhớ quả truyện ngụ ngôn có anh rùa mách anh hươu “nhỉ đay” khi người ta tháo bẫy không? Đấy, từ thượng cổ, khi mà loài vật còn biết nói tiếng người, nhá! Hã hã hã :D Thêm một thí dụ sinh động nữa là câu đố mà chắc thời còn mặc quần thủng đáy các cụ từng nghe: “Kiển tố vừa đố vừa giải”.
Theo sự để ý vặt của nhà cháu, trong văn học, ngay từ thế kỷ 18, cụ Nguyễn Gia Thiều trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” trứ danh cũng đã có một “quả” nói lái rất “ác chiến”:
Mây mưa mấy giọt chung tình
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn
Theo cách hiểu rất trần tục của nhà cháu, nhẽ phải viết là “trung tình” thì mới đúng ý cụ, mới hợp với việc tả cảnh mây mưa, và đặc biệt hợp với lượng từ “mấy giọt” ở trước! (Thời cụ Nguyễn Gia Thiều thì không phân biệt phụ âm kép “tr” và “ch” theo chữ quốc ngữ nhá!)
Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19), cũng có rất nhiều từ, cụm từ nói lái, thẩm theo ngôn ngữ báo mạng bây giờ là “cực chất”. Này thì lái hai từ:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
Trong mấy câu thơ trên, thông thường, mọi người chỉ để ý đến mấy cụm từ: “đá đeo”, “lộn lèo”. Chỉ những người đầu óc đạt đến độ dung tục, bệnh hoạn cao :D :D :D mới nghĩ đến từ “trái gió”- nói lái nó là “chó giái”. Tuyệt cú mèo chưa! Ấy, để im thì đắc đạo rồi, cơ mà… chó giái cho nên… (Thời cụ Hồ Xuân Hương thì không có phân biệt phụ âm kép “tr” và “ch” theo chữ quốc ngữ nhá!)
Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.
Trong hai câu trên, đương nhiên ai cũng thấy những từ “lo cũ” và “lộn lèo” là để nói lái.
Còn đây là nói lái ba từ:
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình, tiểu để sương không đấm
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo
Kể cụ tỷ ra thì các cụ lại mắng là múa rìu qua mắt thợ… nề. Cơ mà không kể, có khi cũng bị sỉ vả, vậy nên nhà cháu xin cứ kê ra. Này thì sư cụ “đáo nơi neo”; chày kình là chày to, thậm chí rất, rất to, cơ mà “sương không đấm” là “đâm không sướng” (có bản ghi “suông không đấm”, theo ngu ý của nhà cháu là không đúng ý nữ sĩ); “đếm lại đeo” là “đêm lại đ…éo” hí hí hí.
Theo một cụ giáo dạy ngữ văn từ thời Pháp thuộc, có một câu nói lái, có thể coi là cực độc, nói lái đến bốn từ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong bài Qua đền Sầm Nghi Đống:
Ghé mắt trông sang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng có bấy nhiêu?
Phần lớn các bản đều in là “Ghé mắt trông ngang”, theo cụ giáo, in thế là sai, sai lòi ra. “Ghé mắt trông sang”, nói lái là “sáng mắt trông ghe”. Cái từ “ghe” này, là tiếng địa phương, (vì là tiếng địa phương, lại là từ tục cho nên không có trong sách vở bởi vậy các cụ càng khó gặp) (*) để chỉ… âm vật, dùng đúng từ của cụ giáo kể trên “nó là cái nhân l…”. Ý của nữ sĩ là: mấy thằng đàn ông chỉ nhăm nhăm chuyện trai gái cái đực, trông thấy l… là sáng mắt lên, làm được cái gì đâu! Bà đây mà đổi làm trai thì sự nghiệp đâu chỉ mỗi chuyện này.
Trong hiện thực đời sống, cũng có rất nhiều từ nói lái được sử dụng, rất ý nghĩa, rất hợp cảnh. Ví như chuyện đi xin xỏ, lo lót, mọi người hay nói đến vấn đề “đầu tiên”. Có một từ nói lái cũng liên quan đến chuyện cạy cục này nhưng nay không còn hợp cảnh nữa (thực ra là không hợp mệnh giá). Đó là chuyện đút lót khi đi khám bệnh, đi xin chữ ký v.v. phải có con “ngan nằm”, tức phải kẹp theo “năm ngàn”- 5.000 đồng. Từ giá trị đồng tiền mà suy thì cái thời đút lót năm ngàn ấy chắc phải quãng những năm 1990 đổ về trước; bây giờ dùng con “ngan nằm” thì hẳn phải tính tiền Obama!!!
Trong chống tiêu cực, tham nhũng, dân ta hay răn nhau rằng: “đấu tranh thì tránh đâu?”; có người còn “lằng nhằng” hơn một chút thành: đấu tranh là đánh trâu, trâu húc lại thì tránh đâu?
Nhân từ đấu tranh này lại nhớ có những cụm chỉ gồm hai từ mà có thể nói lại được đến vài lần, lại thành câu có nghĩa luôn mới hay. Chẳng hạn từ “cá rô”, ta có câu “Cá rô cố ra (khỏi) rá cô”. Hay một câu do chính nhà cháu nghĩ ra từ lâu lẩu lầu lâu rồi, thời Bùi Nam Đông chưa có vợ và vẫn còn… còi: “Đông còi đòi công coi đồng!”. Giờ, Đông mập rồi, rút xuống còn có lái hai lần thui: Đập mông Đông mập! hí hí hí…
CART
---------------

(*)  Về thực hư chuyện “ghe” là từ địa phương, quê nhà cháu ở Thái Bình có dùng từ này. Ngày còn bé, trong các đám cưới, các anh chị thanh niên vưỡn hay mủm mỉm cười, nhiều người còn đỏ mặt khi nghe câu “Biển khơi tôm cá đầy ghe” trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre”. Tìm trong ca dao truyền khẩu, ta cũng gặp câu có từ ghe, mà tả thực luôn nhá: “Bà ngồi bà dạng ghe ra; Đến khi khép lại chết ba tấn ruồi!” – Nói ngoa thế nào ấy chứ! Ba cân ruồi đã là nhiều, gì mà đến ba tấn!

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nói lái


Hồi nhỏ, cứ chiều nào có đoàn chiếu bóng về phục vụ tại xã là nghe các anh giai làng (không phải “giai phố” đâu nhá!) oang oác những câu đại loại như: Tối nay, tại sân hội trường ủy ban, mời bà con ra xem bộ phim: “Tiếng súng nổ bên bờ sông Đin-mốc”, hay bộ phim tình cảm “Buổi đầu đề”… Vì là chíp hôi nên mình không hiểu, phải năn nỉ, ỉ ôi mãi mới được các anh giải thích: Ngu lắm em ạ! “Đin- mốc” là “mông đít”, nghe chửa! – À, ra là thế! Như vậy tiếng súng nổ kia, rút cục chỉ là quả rắm. Còn cái “buổi đầu đề”, nếu ai chưa hiểu thì xin chịu khó đọc đến “cuối bài”.
Không có thống kê nhưng đồ rằng, đến 80% các từ nói lái thú vị, gây cười được cho bà con ta đều liên quan đến những thứ cấm theo luật thi đấu quyền Anh- tức từ thắt lưng giở xuống.
Xưa, xưa lắm rồi đã nghe những câu Bút Tre bút nứa: “Chưa đi chưa biết Cửa Lò; Đi rồi mới biết cái lo nó tồn!” Những câu kiểu này, độ phổ biến rất cao, gần như ai (đầu óc chỉ cần hơi bệnh hoạn   :D) cũng biết.
Trong đời thường, những câu để trêu nhau, quanh đi, quẩn lại có nhẽ cũng chỉ chờn vờn trong quãng vòng ba. Để nói một anh đang phải “hầu” vợ hay người yêu, bà con ta bẩu: thằng ấy đang “lộn về Bần” hay nó lại “lộn vào làng”; nó lại “lộn về”. 
Khi tụ tập chè nước thì thêm thắt cho thêm đậm vị: bác uống đi, đây là chè lộn cành xịn đấy! Hoặc giả, khen nhau có cái áo rồng phượng mới mua từ Indonesia, Lào, Thái : Chà chà, bác mặc cái áo rồng lộn, oai ghê!
Những khi nhậu nhẹt, có chú nào quá chén phải cho chó ăn chè, anh em tiện mồm lại phán, tùy theo cấp độ: đầu tiên là nó “nôn vào giày”; nôn dữ dội hơn thì là “nôn vào tường” và đỉnh điểm của sự nôn mửa này là “nôn vào đầm”.
Hay như ở cơ quan mình, có anh nướng mực bị hết cồn mới sang phòng bên cạnh hỏi xin em gái xinh xinh: Em ơi! Phiền em tí, cồn đâu, cho anh lọ! Chuyện chả có gì rùm beng nếu lão không nói lái (nhịu) cái từ lọ cồn! Nhân thể, chẽ ngang tí, thấy bảo trong các loại cồn thì “cồn Lào” là loại cháy dữ dội nhất, lửa nhiệt nhất.
Cái trò nói lái có uy lực phết! Nghe đồn, thương hiệu dầu gội đầu X men không dám phát chương trình quảng cáo có lải nhải câu: "X men- Đàn ông đích thực" nữa, chỉ vì nói lái thì lại thành “Đàn ông thích đực”, mà đàn ông thích đực đương nhiên không thể là đàn ông đích thực rồi!
Liên quan chuyện nói lái, theo thông tin vỉa hè, thời gian gần đây, các biên tập viên, phát thanh viên VTV, do lo sợ nói lái nhịu cho nên, khi kết thúc bản tin thời sự buổi sáng đã phải tránh câu cửa miệng: Chúc quý vị một ngày mới tách… í quên, tốt lành! 
CART

Bia… phụ nữ


Mình có một đại ca, dân chữ nghĩa, tính gàn gàn. Thói thường, những ông gàn chúa là hay lý sự, nhất lại có tí chữ! Đương nhiên, phần lớn những chuyện lão lý sự đều có lý hoặc chí ít cũng đem lại tràng cười vui vẻ…
Lão gàn thích la cà rượu chè, nhẽ vậy cho nên quan hệ khá rộng. Do hoàn cảnh xô đẩy, lão nhảy việc hết từ cơ quan nọ đến cơ quan kia, tất nhiên toàn là những việc tẹp nhẹp. Mãi rồi cũng thành công chức, mà công chức quèn nên “đường lông” của lão hạn hẹp, chi tiêu rất lom rom. Các bậc đại ca biết gia cảnh lão khó khăn, thế nên luôn chủ động mời, tránh để lão phải gồng mình trả tiền ăn hút. Ấy thế nhưng sự đời oái oăm, những tay có tí chữ nghĩa thì lòng tự trọng thường lại rất to, tỷ lệ nghịch với độ dày của ví (mà lão có đek ví đâu, toàn tiền lẻ vo nhăn nheo như mấy bà nội trợ). Bú mút dăm lần người ta trả tiền thì mình cũng phải chủ động “chịu trách nhiệm”, ăn chạc mãi, nó hèn người đi!
Một bận lĩnh lương xong, vào dịp con cái nghỉ hè không phải đóng học phí nên xông xênh, dễ thở, lão tận dụng cơ hội chủ động triệu tập các đại ca để “họp báo”. Sau vài quai bia cỏ, lão trịnh trọng cất nhời:
- Báo cáo các đại ca! Hôm nay, xin phép cho thằng em được mời…
- Mày tuổi gì mà đòi trả tiền!- Lão chưa dứt lời đã bị một bậc trưởng thượng cao giọng mắng.
- Dạ! Em vừa lĩnh lương xong! Cho em… - lão khẩn khoản.
Biết lão quá rõ nên bậc đại ca tỏ vẻ châm chước:
- Ừ! Có lý do chính đáng. - Rồi tiện mồm hỏi thêm: - Thế lương mày dạo này có khá không?
- Nói các bác thông cảm! Lương em, hị hị, nó như chu kỳ phụ nữ. Mỗi tháng có một lần, mà chỉ ba ngày là… sạch! Chán lắm!
Các đại ca ồ lên: - Khà khà! Thằng này ví hay! Mẹ kiếp! Đúng là mỗi tháng mỗi lần, tiêu ba ngày hết sạch. Thưởng cho thằng này một cốc! Nào, cạch cái! Khà khà!
Ngửa cổ làm một hơi hết cốc bia, đang cơn hứng chí, lão buông tiếp:
- Kể mà lương được lĩnh nhiều ngày nhỉ! Em cứ là mong được… rong kinh, để mời các bác suốt.
Các đại ca chợt ớ ra: - Ơ! Thằng mất dạy này. Mày mời chúng tao uống bia… phụ nữ à! Đã thế hôm nay đ…éo cho mày trả tiền nữa!

CART

Đòn âm!



Ngày còn thò lò mũi xanh, mình hay nghe các anh giai làng kể chuyện cao thủ võ lâm ra đòn hạ thủ đối phương. Kẻ dính đòn sau đó vẫn sống như thường, chả có biểu hiện gì, nhưng có thể sáu tháng, một hay vài năm sau bỗng lăn đùng ra chết. Ấy gọi là đòn âm!
Đòn âm ngoài việc thể hiện trình độ võ học cao siêu còn tránh cho người ra đòn khỏi các rắc rối về pháp lý. Oánh nhau xong từ đời nảo đời nào, giờ nó lăn ra chết, đâu phải tội của tôi!
Ngày 16-7-2014 mới rồi, đọc trên báo thấy có tin của ký giả Lê Anh Tuấn cho biết, Bà Rịa- Vũng Tàu kỷ luật tám tập thể, 34 cán bộ sai phạm tại dự án cáp treo Vũng Tàu. Lần đến cuối bản tin thấy từ ngày 15-1-2013, anh đã có bài chỉ rõ các sai phạm ở dự án.
Để ý một chút ta thấy, từ lúc ký giả Lê Anh Tuấn có bài phản ánh đến khi các cán bộ sai phạm bị kỷ luật là đúng một năm, sáu tháng, 1 ngày. Đòn âm là đây chứ đâu!

Đây là đường link bài ngày 15-1-2013: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/337402-.html

 CART

Đồng hồ



Kim giây quần quật suốt ngày
Thân gầy teo tóp, phút quay một vòng
Chả như kim phút thong dong
Mỗi giờ nhúc nhắc một vòng, nhàn thôi
Kim giờ mới thật thảnh thơi
Ngày đêm đủng đỉnh dạo chơi hai vòng

Dường như có chút bất công
Xem đồng hồ, trước hết trông kim giờ
Ngó qua kim phút ơ hờ
Kim giây, tik-tak, làm ngơ chẳng nhìn!
                            21/4/2014
                            CART


Điện thoại cũ


Đã từng là số 1
Được săn đón nâng niu
Đời mới ra thay thế
Nên mi phải "về hưu"!
Sóng mi thu vẫn tốt
Pin mi dùng vẫn trâu (lâu) 
Loa mi nghe vẫn rõ
Trắng, đen- màn hình màu! 
Có khả năng di động
Nghe gọi và nhắn tin
Dáng hình mi thon gọn
Danh bạ lưu trong sim
Chẳng khe cắm thẻ nhớ
Không 3G, wifi
Đèn pin mi tuy sáng
Nào hấp dẫn được ai?!
Ta là người cổ lỗ
Thôi mi về với ta
Thế, thời, thời phải thế
Buồn làm chi, thôi mà!
Ta chỉ quen nghe, gọi
Nhắn tin nữa là cùng
Không qwerty cũng được
Không cảm ứng điện dung
Camera chẳng có
Ta vẫn luôn quen dùng
Đừng tiếc ngôi số 1
Ai giữ được lâu đâu!
Tự ý thức giá trị
Mi sẽ không thấy sầu
Điện thoại là điện thoại!
Đâu đòi hỏi gì hơn
Nhiệm vụ chính làm tốt
Cớ chi mi phải buồn!
                  21/7/2014
                     CART
Viết nhân nhớ lại chuyện Đinh tiên sinh đáng mến (Dinh Thach Anh- một đại gia ở Bách Khoa) cho mình em Motorola StarTac X- ngôi sao công nghệ di động mấy năm cuối thế kỷ 20. Thời điểm Đinh tiên sinh cho mình quãng cuối năm 2003, dù em còn khá ngon lành nhưng cũng có thể đem so sánh với việc các nước tiên tiến tặng các nước lạc hậu máy móc, thiết bị sắp hết date, nôm na là "trao cho nhau những gì vứt đi" hi hi hi! Đó là em di động đầu tiên của mình! Nói cho vui chứ tận đáy lòng, mình rất biết ơn bạn Thạch Anh, con người tuy xấu trai, cổ quái nhưng cực kỳ thông minh, tốt bụng!    
Lưu ý: những điểm mô tả em điện thoại cũ ở trên có thể gán cho em Nokia 1100i. Còn em StarTac X thì không có đèn pin; thời em nó điện thoại ở ta cũng chửa có 3G, wifi.